Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ và tầm quan trọng của công tác cán bộ.
1. Về vị trí, vai trò của cán bộ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vị trí, vai trò của cán bộ. Người coi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc"(1). Theo quan niệm của Bác: cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Vì vậy, trong mọi việc của Đảng, Nhà nước hay bất kỳ tổ chức nào, cán bộ được coi như là gốc, là nguồn,không có cán bộ thì không thể thực hiện được công việc mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Đồng thời, Người luôn đặt cán bộ trong sự tổng hòa các mối quan hệ. Cán bộ được hiểu như "là cái dây chuyền của bộ máy"(2). Trong một cỗ máy, dây chuyền liên quan đến nhiều bộ phận, dây chuyền có tốt, thì động cơ mới chạy được tốt và ngược lại, cỗ máy cũng không thể hoạt động tốt nếu dây chuyền dở. Đối với hoạt động của một tổ chức, một xã hội cũng vậy, cũng có thể coi như một "cỗ máy", cán bộ là dây chuyền, "cầu nối" giữa các chủ thể, các thành viên của tổ chức, của xã hội với nhau. Ở nước ta, cán bộ được coi là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Đây là một "dây chuyền" đặc biệt. Bởi vì, cán bộ phải đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, giải thích cho dân chúng hiểu và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu, để đặt chính sách cho đúng. Như vậy, nếu cán bộ dở thì một mặt, chính sách không thể thực hiện được; mặt khác, việc hoạch định, xây dựng chính sách mới sẽ sai hoặc không phù hợp.
Song cần hiểu rằng, là con người ai cũng có hai mặt (tính) tốt và xấu, cán bộ cũng vậy vì cán bộ cũng là những con người bình thường được giao nhiệm vụ. Nhưng đã là một người cán bộ cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì "tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân"(3).
Trong mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, Bác quan niệm dân như nước, cán bộ như cá. Người chỉ rõ "cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được"(4). Từ đó, Người khẳng định nước lấy dân làm gốc, "cán bộ quyết định mọi việc"(5). Sự "quyết định" ở đây là cán bộ phải đi trước, làm gương về tư tưởng, đạo đức, thái độ, lề lối làm việc. Muốn phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng chục triệu người, thì cán bộ phải đi trước, tự cải tạo mình, tự nâng cao mình. Cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao; phải rửa sạch ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện tinh thần và ý thức tập thể.
Cán bộ có vị trí, vai trò quan trọng như vậy, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ phải rèn luyện trên năm mối quan hệ: với mình, với nhân dân, với đồng sự, với tổ chức, với công việc.Cốt lõi của năm mối quan hệ đó là cán bộ phải có đạo đức cách mạng cũng như sông phải có nguồn, cây phải có gốc, người cán bộ phải có đạo đức cách mạng, làm nền tảng thì mới gánh vác được nhiệm vụ cách mạng. Cùng với đạo đức làm gốc, người cán bộ phải có tài năng. Đức tài và hồng chuyên gắn bó mật thiết với nhau, không được xem nhẹ mặt nào. Trong đức có tài và tài càng lớn thì đức phải càng cao. Có đức mà không có tài thì giống như ông bụt trong chùa, không làm lợi gì cũng không hại ai. Nhưng có tài mà không có đức thì không những không làm lợi mà còn làm hại cho nước, cho dân.
Là cán bộ thì phải luôn luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Trong bất kỳ khó khăn, gian khổ, phức tạp nào người cán bộ cũng phải có tinh thần vượt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.Người cán bộ phải có mối quan hệ mật thiết, máu thịt với nhân dân mà quan trọng hàng đầu là học hỏi, học nhân dân, hiểu nhân dân. Nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ. Là cán bộ thì phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục. Chỉ có như vậy thì cán bộ mới được dân tin, dân phục, dân yêu.
Là cán bộ thì phải có ý thức học tập để nâng cao trình độ, hiểu biết về mọi mặt. Muốn nâng cao dân trí thì phải nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải là những người nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Người cán bộ chuyên môn phải có trình độ về lý luận chính trị, cán bộ chính trị phải có trình độ về chuyên môn. Không có lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ thì không thể lãnh đạo và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, người cán bộ phải có năng lực thực tiễn, nghĩa là phải có năng lực tổ chức thực hiện tốt đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, biến chủ trương, đường lối thành hiện thực.
Cuối cùng, phải nói tới phong cách cán bộ. Trong thực tiễn thì tư tưởng, phương pháp, phong cách của một con người gắn bó chặt chẽ với nhau. Từ phong cách mà qua đó bộc lộ nhân cách cán bộ. Phong cách quan trọng và xuyên suốt của một cán bộ là nói đi đôi với làm, nói thì phải làm. Nhân dân không chấp nhận những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Phong cách cán bộ, theo Bác, là phải“óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Điều đó khác với kiểu cán bộ quan liêu, mệnh lệnh, nhiễm bệnh hình thức, thành tích, thiếu tính chủ động, sáng tạo.
2. Về công tác cán bộ
Vấn đề công tác cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là công tác của Đảng, là một khâu hết sức quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng. Trong thực tiễn, nhiều trường hợp cán bộ tự rèn luyện tốt nhưng vì công tác cán bộ dở nên cũng hạn chế kết quả của công việc cách mạng.
Khâu đầu tiên trong công tác cán bộ là phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ, có hiểu và đánh giá đúng cán bộ mới có thể sử dụng cán bộ đúng. Đây là yêu cầu đầu tiên trong toàn bộ các khâu của công tác cán bộ. Công việc này không dễ nhưng phải làm tốt, vì chỉ có làm tốt việc đánh giá cán bộ thì mới sử dụng tốt cán bộ. Hiểu và đánh giá cán bộ không phải chỉ một việc, chỉ bên ngoài, trong hiện tại, mà phải thông qua nhiều việc, cả quá khứ, hiện tại và hướng phát triển trong tương lai của cán bộ. Muốn hiểu và đánh giá đúng cán bộ thì trước hết phải hiểu mình. Mình không hiểu mình thì không thể hiểu đúng cán bộ, giống như một người đã mang kính mầu. Đòi hỏi đánh giá cán bộ là phải công minh, khách quan.
Trên cơ sở hiểu cán bộ thì phải "khéo dùng cán bộ". Đây chính là tư tưởngHồ Chí Minh về dùng người, dùng cán bộ. Nhân dân ta có câu: dụng nhân như dụng mộc, tức là người thợ gỗ phải khéo sử dụng gỗ, biết lựa, loại gỗ nào thì sử dụng vào việc đó, không để lãng phí, gỗ nào cũng có ích riêng của nó. Tránh tình trạng bố trí sai cán bộ, chẳng hạn, cán bộ có chuyên môn A thì bố trí làm việc B, và ngược lại, cán bộ có chuyên môn B thì bố trí làm việc A...
Một điều quan trọng nữa là phải biết phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ, cầu người hiền tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa những tinh hoa, tư tưởng của dân tộc Việt Nam về coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Người cho rằng, khi có đường lối cách mạng đúng đắn thì cán bộ là khâu quyết định. Người khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều” (6). Vì vậy, Đảng ta phải biết coi trọng, giữ gìn cán bộ cũ, tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới, trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ.
Trong công tác cán bộ phải chú ý kết hợp cán bộ, đặc biệt là kết hợp cán bộ lớn tuổi với cán bộ trẻ, cán bộ có kinh nghiệm và cán bộ ít kinh nghiệm, cán bộ tại chỗ với cán bộ nơi khác điều đến. Phải biết điểm mạnh, yếu của mỗi loại cán bộ để trong quá trình sử dụng cán bộ biết phát huy thế mạnh và khắc phục chỗ yếu của từng loại cán bộ. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Cuối cùng, phải nói tới việc cần thiết chống các căn bệnh trong công tác cán bộ. Đó là bệnh thích người bà con quen biết, cục bộ địa phương. Phải cảnh giác và chống bệnh thích kẻ khéo nịnh hót mình, ghét người chính trực; bệnh dìm người tài, ăn cắp địa vị của người khác. Tuyệt đối không được sử dụng loại cán bộ “gió chiều nào che chiều đó", không có khí khái, không có chính kiến, bản lĩnh, xu nịnh, a dua, không dám chịu trách nhiệm, không dám phụ trách.
Trung Thành