Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn.
Thời gian không chờ đợi.
Phát biểu tại Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào ngày 25/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm
nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
là đòi hỏi rất cấp thiết của tình hình thực tiễn. Thời gian không chờ đợi.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Thời gian không chờ đợi. Đó là
vì việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị liên quan mật thiết đến kỷ
nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đồng chí Tổng Bí thư, thời
điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng (dự kiến diễn ra vào tháng 1/2026).
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ
nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 Việt Nam
sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình
cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Thời gian không chờ đợi. Đó là
vì cho đến nay việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ; tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan còn trùng lắp, chồng chéo, phân cấp, phân
quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Hiệu quả hoạt động chưa cao
của bộ máy nhà nước là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động ở
nước ta rất thấp.
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch
và Đầu tư) cho biết, năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam trong năm
2023 theo giá cả hiện hành mới đạt 199,3 triệu đồng/người (tương đương 8.380
USD, tăng 274 USD so với năm 2022).
Theo giá so sánh, năng suất
lao động tăng 3,65%. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), tính theo sức mua tương
đương (PPP), năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 4%/năm trong giai
đoạn 2021-2022, đứng thứ hai ở Đông Nam Á (mức tăng bình quân chung của thế
giới là 2%).
Tuy nhiên, về giá trị tuyệt
đối, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD theo ngang giá sức
mua tương đương là 2.400 USD thì chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 24,7% so với
Hàn Quốc, 26,3% so với Nhật Bản, 35,4% so với Malaysia, 64,8% so với Thái Lan,
79% so với Indonesia và 94,5% so với Philippines.
Năng suất lao động là một
trong những thước đo chính để đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia.
Đại hội XIII của Đảng đặt mục
tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân của giai đoạn 2021-2025 là hơn
6,5%/năm.
Tiếp đó, ngày 8/11/2023, Thủ
tướng Chính phủ ký Quyết định số 1305/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình quốc gia
về tăng năng suất lao động đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030 năng suất
lao động sẽ trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững,
phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ
tăng năng suất lao động.
Để đạt mục tiêu này, Chương
trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ
giải pháp chủ yếu, trong đó có việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi
mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo
và nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi
trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp và đổi mới sáng
tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài nhằm
cải thiện năng suất lao động; thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, nâng cao
năng lực cạnh tranh của các ngành.
Tại Diễn đàn “Nâng cao năng
suất lao động Quốc gia năm 2024” (tháng 5/2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh
Chính nhấn mạnh, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp
bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị - là con
đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp các nước phát triển trên thế giới, tiến
cùng và vượt lên trong xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Từ Đại hội XI (tháng 1/2011),
Đảng ta đã xác định, phát triển nguồn nhân lực cùng với thể chế và hệ thống kết
cấu hạ tầng là ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Cuộc cách mạng về tổ chức bộ
máy nhà nước mà Tổng Bí thư Tô Lâm vừa phát động có liên quan mật thiết đến đột
phá khẩu chiến lược về thể chế và cũng có mối liên hệ với đột phá khẩu chiến
lược về phát triển nguồn nhân lực.
Về việc tháo gỡ nút thắt thể
chế, trong bài viết ngày 5/11/2024 với tiêu đề: "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu
năng – Hiệu lực – Hiệu quả” Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ công tác trọng tâm thứ
nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng
thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ
trong giai đoạn cách mạng mới.
Tập trung tổng kết 7 năm thực
hiện Nghị quyết số 18 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII
- “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính
trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” - đánh giá nghiên túc, toàn diện về
tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm; đề xuất, kiến nghị
với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị.
Công tác trọng tâm thứ hai là
tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh
chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Rà soát các quy định
pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới
theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau
khi được Trung ương thống nhất thông qua.
Tập trung hoàn thiện pháp luật
về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh
thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với địa phương; Trung ương, Chính phủ, Quốc
hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra,
giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao
nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác trọng tâm thứ ba là
gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất,
năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Ban hành quy
định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới
cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay.
Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển
dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo
hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được,
không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu
sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất,
năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Thời gian không chờ đợi. Đó là
vì không còn xa nữa thời điểm kỷ niệm 100 năm Việt Nam có sự lãnh đạo của Đảng
và 100 năm ngày thành lập nước.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu
để đạt được các mục tiêu chiến lược, chúng ta không những phải nỗ lực phi
thường mà còn không được phép chậm trễ, lơi lỏng; khẩn trương thực hiện cuộc
cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị./.