Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 8, tiến hành quy trình nhân sự Chủ tịch nước
Sáng nay (21-10), kỳ họp thứ 8 của Quốc
hội khai mạc xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó sẽ tiến
hành quy trình nhân sự Chủ tịch nước.
Trước giờ khai mạc kỳ
họp thứ 8, Quốc hội khóa
XV, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đặt
vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quang cảnh khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội
Tiến hành quy trình nhân sự Chủ tịch
nước
Từ 8h, Quốc hội tiến hành họp phiên
trù bị. Tại phiên họp các đại biểu nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Đồng thời, nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về
việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội
khóa XV.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và
biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tiếp đó, Quốc hội nghe trưởng Ban
Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo về việc cho
thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Đình Văn (thuộc
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng).
Từ 9h, phiên khai mạc bắt đầu và được
phát thanh, truyền hình trực tiếp. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
khai mạc kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô
Lâm có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Thủ tướng
Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự
kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và thẩm tra của Ủy ban Kinh
tế.
Quốc hội cũng đã nghe Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến
nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8; Báo cáo kết quả giám sát việc
giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội
dự kiến xem xét công tác nhân sự thuộc
thẩm quyền.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội
Nguyễn Thanh Hải cho biết Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh
Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
"Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa
qua, Trung ương đã biểu quyết thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện trình
Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026", bà Hải nói.
Các nhân sự khác thuộc thẩm quyền của
Quốc hội, trong chương trình kỳ họp 8 cũng đã bố trí thời gian để thực hiện.
Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch
nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam về đối nội và đối ngoại.
Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ
tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức
bỏ phiếu kín. Khi ban kiểm phiếu báo cáo kết quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ
trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước sẽ tiến
hành tuyên thệ.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ
của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ
cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.
Xem xét số lượng đề án nhiều nhất từ
trước đến nay
Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ
họp thứ 8 là 29,5 ngày, tiến hành theo 2 đợt. Trong đó, đợt 1 từ ngày 21-10 đến
hết ngày 13-11; đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng 30-11.
Tại kỳ họp, Quốc hội dành phần lớn thời
gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các
vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
cho hay tại kỳ họp 8, Quốc hội xem xét nhiều dự án luật và nhiều vấn đề lớn, với
rất nhiều nội dung mới.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua
15 luật, 3 nghị quyết; đồng thời cho ý kiến với 13 dự án luật khác. Quốc hội
cũng tiến hành giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội
và một số vấn đề quan trọng khác.
Tính đến ngày 20-10, đã có 132/154 đầu
tài liệu chính thức, 144 đầu tài liệu tham khảo gửi đến đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: TTXVN
Ông Định cũng nêu rõ kỳ này có rất nhiều
nội dung mới, số lượng đề án nhiều nhất từ trước đến nay.
Kỳ họp thứ 8 có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
Ban Tuyên giáo