Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Sáng 28/9, Hội Nông dân tỉnh long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 với chủ đề phát huy vai trò chủ thể “Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng Hội vững mạnh; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững”.
Các đồng chí: Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Tham dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã.
Đại hội có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hội Nông dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình. Đặc biệt là sự có mặt của 304 đại biểu chính thức, đại diện cho trí tuệ, ý chí, nguyện vọng và khát vọng đổi mới, sáng tạo của gần 500 nghìn cán bộ, hội viên nông dân tỉnh tham dự Đại hội.
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X diễn ra long trọng
Khẳng định vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Đ/c Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khai mạc Đại hội
Quang cảnh Đại hội
Báo cáo Chính trị trình Đại hội cho biết, chặng đường 05 năm qua, các cấp Hội đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã đề ra.
Hoạt động Hội tập trung hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Công tác tuyên truyền vận động nông dân phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được quan tâm. Các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được phát động mạnh mẽ. Các phong trào đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất tập trung, cánh đồng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản.
Đ/c Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội
Trong 5 năm qua, đã có trên 150.000 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi với hàng trăm mô hình kinh tế tiêu biểu; toàn Hội đã đóng góp trên 3.500 tỷ đồng, hiến trên 930.000 m2 đất, tham gia trên 1,5 triệu ngày công xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội đã giúp đỡ có hiệu quả hơn 88.000 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đạt chuẩn OCOP. Hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao.
304 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 500 nghìn cán bộ, hội viên nông dân tỉnh tham dự Đại hội.
Qua các phong trào, tổ chức Hội Nông dân ngày càng được củng cố và phát triển với hơn 55.000 hội viên được kết nạp mới trong nhiệm kỳ; nhiều tấm gương tiêu biểu của nông dân Nghệ An trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tôn vinh, khen thưởng.
Với tinh thần trách nhiệm, nhìn thẳng vào sự thật, kiểm điểm, đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2018 – 2023, Đại hội cũng đã thảo luận, xác định cụ thể, chi tiết các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ mới.
Đ/c Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chúc mừng và biểu dương những thành quả mà cán bộ, hội viên Hội Nông dân tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua
Đ/c Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng hoa chúc mừng Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm và Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc của cán bộ, hội viên Hội Nông dân tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Thể hiện rõ hơn vai trò thúc đẩy sự thay đổi tư duy sản xuất
Đ/c Thái Thanh Quý – Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo Đại hội
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao là một trong 5 lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế.
Mục tiêu giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nhưng phải tăng được giá trị sản xuất là một thách thức không nhỏ. Để nâng cao hiệu quả canh tác, để người nông dân thực sự giàu lên trên đồng đất của mình, nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh phải thể hiện rõ hơn vai trò thúc đẩy sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân thích ứng với điều kiện mới. Đó là tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, sẵn sàng đi cùng nhau để đi được xa hơn; liên kết với doanh nghiệp để dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình.
Đó là tư duy về sản xuất an toàn, bền vững, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng; là lối nghĩ, cách làm ăn lớn, lâu dài, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia cho một số nông sản có thế mạnh gắn với chỉ dẫn địa lý, hướng tới thị trường xuất khẩu để đạt giá trị cao hơn.
Cùng với đó, thường xuyên sát cánh hỗ trợ người nông dân về vay vốn, tập huấn, đào tạo nghề, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất.
“Đặc biệt, hỗ trợ người nông dân nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, internet, công nghệ số để có thể dễ dàng bước chân ra khỏi lũy tre làng, tìm hiểu thị trường, học tập kinh nghiệm sản xuất bên ngoài, đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn, xa hơn, hiệu quả hơn trên sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Phát huy tốt hơn nữa vai trò “trung tâm, nòng cốt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới”
Các sản phẩm nông dân làm ra ngày càng nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý, Nghệ An tiếp tục xác định, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 toàn tỉnh có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15% xã đạt nông thôn mới nâng cao. Từ những bài học thành công trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới thời gian qua, Hội nông dân tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò “trung tâm, nòng cốt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới”, khơi dậy mạnh mẽ sức dân, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu trong cán bộ, hội viên nông dân.
Quan tâm vận động, đồng hành, hỗ trợ để mỗi hội viên trở thành một nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế hiệu quả, xây dựng tình làng nghĩa xóm; mỗi hộ gia đình có một khu vườn đẹp; mỗi ngõ xóm đảm nhận thực hiện một công trình “đường quê sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có chất lượng sẽ góp phần làm cho những vùng quê tỉnh Nghệ An yên bình, hài hòa, bản sắc, đáng sống, hiện thực hóa mục tiêu lớn về phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Phương thức sinh hoạt phải sáng tạo, linh hoạt, phù hợp
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của các huyện, thành, thị xã trên địa bàn
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị Đại hội cần phân tích, đánh giá rõ nét hơn yếu tố đa dạng, đặc thù các vùng địa lý của tỉnh để xác định các nhiệm vụ, giải pháp đồng hành, hỗ trợ hiệu quả người nông dân trong phát triển sản xuất cũng như xây dựng tổ chức Hội.
Theo gợi mở của Bí thư Tỉnh ủy với khu vực miền Tây, Hội Nông dân cần nắm bắt thế mạnh về phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc để kết nối, đồng hành với hội viên nông dân để phát triển kinh tế sản xuất và thúc đẩy Du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển hơn.
Với vùng trung du, quan tâm hỗ trợ hội viên phát triển chuyên canh cây công nghiệp gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; cây ăn quả đặc sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trang trại gắn với xử lý tốt môi trường. Với vùng đồng bằng, ven biển tích cực động viên hội viên phát triển các vựa hoa màu đạt tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ các đô thị và du lịch; đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững gắn với chế biến... Từ cách tiếp cận này, hình thức, phương thức sinh hoạt của Hội cũng phải được tổ chức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, ưu tiên hình thành các nhóm, tổ, đội, hợp tác xã sản xuất theo ngành, nghề, địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý tặng Hội Nông dân tỉnh Bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh
Phân tích về xu thế phát triển hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đại hội cần dành sự quan tâm để có giải pháp thích ứng hiệu quả, nhất là việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, trang bị kỹ năng nghề, cách thức tổ chức hoạt động, tập hợp hội viên... Tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, các chương trình dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn…
Nắm chắc, hiểu sâu tâm tư, nguyện vọng hội viên nông dân
Mặt khác, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Hội Nông dân cần thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; động viên hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nắm chắc, hiểu sâu tâm tư, nguyện vọng hội viên nông dân, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên.
Cùng với đó, thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ làm công tác Hội nông dân có tính kế thừa, bản lĩnh vững vàng; sâu sát, gần gũi với hội viên; hiệu quả trong tham mưu; khéo léo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu để truyền cảm hứng cho nhiều hội viên khác tự tin, vươn lên khẳng định mình.
Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý tặng Bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho Hội Nông dân tỉnh mang dòng chữ Hội Nông dân tỉnh “Đoàn kết - Sáng tạo – Xây dựng – Phát triển”.
Các đại biểu dự Đại hội bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028
Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ mới ra mắt Đại hội. Đồng chí Nguyễn Quang Tùng thay mặt Ban chấp hành khóa mới phát biểu nhận nhiệm vụ
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bí thư Tỉnh ủy Thái Tanh Quý tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2023-2028
Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028 với sự tham gia của 40 đồng chí.
Một số chỉ tiêu quan trọng phấn đấu đạt được trong nhiệm kỳ 2023-2028:
- Thành lập ít nhất 50 chi hội nông dân nghề nghiệp, 300 tổ hội nông dân nghề nghiệp.
- 100% chi hội có quỹ hoạt động Hội.
- Kết nạp ít nhất 50 ngàn hội viên.
- 90% cơ sở hội được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
- Trực tiếp, phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề cho ít nhất 30.000 hội viên, nông dân; tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho ít nhất 400.000 hội viên nông dân.
- Hàng năm có ít nhất 60% hộ hội viên đăng ký phấn đấu và có ít nhất 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi.
- Mỗi đơn vị cấp huyện tư vấn, hỗ trợ xây dựng ít nhất 2 mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao hoặc mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Hỗ trợ thành lập ít nhất 20 hợp tác xã, 120 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
- Tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 15% / năm trở lên.
- Hàng năm, ít nhất 70% tổ chức cơ sở hội tổ chức được hoạt động hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Phan Quỳnh (nghean.gov.vn)