Xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh và vận dụng Quy định 144 QĐ/TW trong giai đoạn mới
Quan điểm Hồ Chí Minh về vai trò và sức mạnh của đạo đức cách mạng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự quan tâm
đặc biệt đến vấn đề giáo dục đạo đức
cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng.
“Cũng như sông thì có nguồn mới có nước,
không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người
cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không
lãnh đạo được nhân dân”[1].
Đạo đức là nguồn gốc, là nền tảng, bởi vì muốn làm cách mạng thì trước
hết con người phải có cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp đối với giai cấp công
nhân, nhân dân lao động, với cả dân tộc mình. Cái tâm, cái đức ấy lại phải được
thể hiện trong các mối quan hệ xã hội hàng ngày với dân, với nước, với đồng
chí, với đồng nghiệp, với mọi người xung quanh. Ngược lại, nếu con người không
có được cái tâm trong sáng, suy thoái về đạo đức thì sự suy thoái đó sẽ là
“khởi điểm của mọi sự suy thoái” và sự suy thoái về đạo đức sẽ dẫn đến sự suy
thoái về chính trị. Chính vì vậy, ta hiểu vì sao trong suốt cuộc đời mình, Hồ
Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến việc giáo dục đạo đức cho quần chúng nhân
dân và đặc biệt là đối với cán bộ, đảng
viên trong điều kiện Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền.
Mặt trái của quyền lực có thể làm tha hoá con người, tha hóa cả một
Đảng. Do đó, khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng
đầu việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người đã kiên trì đấu tranh
chống lại nguy cơ xa rời quần chúng nhân dân, rơi vào thoái hoá biến chất của
một Đảng cầm quyền. Người nói “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách,
đạo đức”. “Vì muốn giải phóng dân tộc, giải phóng
cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có
căn bản, tự mình hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[2].
Hội thảo khoa học học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Quy định 144 QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức
cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới do Trường Chính trị Nghệ An tổ chức
Quy định 144 QĐ/TW: bước bổ sung, hoàn thiện lý luận
về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới
Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị
về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới được ban
hành chính là bước bổ sung, hoàn thiện lý luận về chuẩn
mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới như Văn
kiện Đại hội XIII yêu cầu; khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối
với công tác xây dựng đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy
mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nội dung của Quy định 144 với nội dung chính là 5 điều
về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên như sau:
Điều 1: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung
thành với Đảng và tổ quốc.
Điều 2: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo và hội nhập.
Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Điều 4: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.
Điều 5: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học
tập suốt đời.
Với 5 điều quy định vừa toàn diện, vừa cụ thể, dễ nhớ,
dễ thực hiện và cũng dễ kiểm tra, giám sát, Quy định 144 chính là văn kiện quan
trọng thể hiện tư duy đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ
cách mạng đề ra trong giai đoạn mới; là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng
tạo Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới; là
cơ sở soi chiếu để lựa chọn được những cán bộ, đảng viên đủ đức, đủ tài phục vụ
nhân dân, phụng sự sự nghiệp phát triển đất nước. Nội dung Quy định này không
chỉ thể hiện đầy đủ, toàn diện những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng
Hồ Chí Minh về mục tiêu, lý tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần đổi mới, sáng
tạo; sự nhất quán về lòng yêu nước, thương dân, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết
trên mọi lĩnh vực mà còn là thực thi nguyên tắc, biện pháp tu dưỡng đạo đức
cách mạng vừa có tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài đối với mỗi cán bộ,
đảng viên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ
quan, đơn vị.
Thực trạng đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay
Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều
thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Cán bộ, đảng
viên có rất nhiều cơ hội học tập, công tác, tu dưỡng phấn đấu, phát triển tài
năng, nhiều người đã trở thành những tấm gương tiêu biểu của chủ nghĩa anh hùng
cách mạng thời kỳ đổi mới. Song, bên cạnh đó còn có một bộ phận cán bộ, đảng
viên trước sự đam mê quyền lực, sự cám dỗ của đồng tiền và kiểu hưởng thụ xa lạ
với cuộc sống của người lao động đã trở thành những con sâu mọt đang làm tổn
hại đến nền kinh tế - xã hội của đất nước, gây ảnh hưởng xấu đến lĩnh vực chính
trị, làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, là
điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá cách mạng nước
ta.
Người cộng sản, trong điều kiện cầm quyền, hàng ngày đang đối mặt với
biết bao thử thách khắc nghiệt. Đối với người có chức, có quyền, cơ hội làm
giàu bất chính luôn luôn ở trong tầm tay. Thiếu đi một bản lĩnh đạo đức, không
thắng nổi lòng tham muốn vật chất vô độ, người cách mạng vào sinh ra tử, một
thời lững lẫy, bỗng biến thành con tin, thành kẻ bị khống chế, cầm tù trong tay
bọn gian thương.
Tình hình trên đã làm tổn hại đến uy danh
và sức chiến đấu của Đảng, của chế độ, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, gây
những trở lực không nhỏ làm ảnh hưởng xấu tới công cuộc đổi mới, tới sự nghiệp
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng và nhân dân ta. Vì vậy, nâng
cao đạo đức cách mạng cho người cán bộ, đảng viên hiện nay là một vấn đề cấp
thiết.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và Quy định 144 vào việc giáo dục đạo đức
cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay
Đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức
cách mạng ở một số cán bộ, đảng viên hiện nay là vấn đề hết sức khó khăn và
phức tạp. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất là nhiệm
vụ của lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị cơ sở.
Để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, để
Đảng thực sự là đạo đức là văn minh theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần có các hình
thức, biện pháp phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị để bồi dưỡng, nâng cao
đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Góp phần thực hiện Chỉ
thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh.
Trong bài viết này, xin đề xuất một số giải pháp cơ bản
sau:
Một là, nâng cao ý thức của cán bộ đảng viên trong việc giữ vững
nhân cách, đạo đức
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dẫn phương pháp để giữ vững nhân cách, đạo
đức là: phải dùng bốn viên thuốc đặc trị: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Bởi có
siêng năng mới hiểu được giá trị của đồng tiền, mới biết tiết kiệm. Có giản dị,
tiết kiệm, không xa xỉ thì mới giữ được thanh liêm. Đã có liêm thì sẽ giữ được
sự ngay thẳng, chính trực, thấy sai dám đấu tranh, thấy đúng dám bảo vệ, vì
không phụ thuộc vào phe giáp nào, không sợ “há miệng mắc quai”, “rút dây động
rừng”!
Hai là, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra trong Đảng
Công tác kiểm
tra, thanh tra trong Đảng hiện nay còn chậm, nhiều vụ kết luận không thống nhất, phe
cánh còn bao che cho nhau nên việc xử lý kỷ luật, pháp luật không nghiêm minh,
thiếu kiên quyết, trên nhẹ dưới nặng,... chưa góp phần hạn chế và đẩy lùi được
tiêu cực.
Bệnh trọng thì phải dùng thuốc đắng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu thương, dạy bảo cán bộ, coi cán bộ có tài, có đức
là vốn quý của Đảng. Nhưng người nào làm tổn hại đến tính mệnh và tài sản của
nhân dân, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước, thì dù họ là ai, Người vẫn yêu
cầu phải xử lý theo đúng pháp luật, như Người đã từng gạt nước mắt ký lệnh y
tán tử hình cho đại tá Trần Dụ Châu.
Ba
là, sự nêu gương của người lãnh đạo
Đối với các dân tộc phương Đông, xưa
nay niềm tin chính trị của người dân luôn luôn gắn liền với niềm tin vào tấm
gương đạo đức của người cầm quyền.Vì vậy, “một tấm gương sống còn có giá trị
hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[3]. Hồ Chí
Minh đã nhiều lần nhắc nhở: muốn thực sự làm người lãnh đạo, người chỉ huy,
phải hết sức giữ gìn về đạo đức, nếu không thì rồi sẽ hỏng cả. “Quần chúng chỉ
quý mến những người có tư cách đạo đức, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm
mực thước cho người ta bắt chước”[4].
Thế hệ cán bộ,
đảng viên, thanh niên lớp Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, chống
Mỹ có hạnh phúc là hàng ngày, hàng giờ được sống với tấm gương lớn như Bác Hồ
và các đồng chí lãnh đạo tiền bối bên cạnh Người. Những tấm gương ấy đã là niềm
tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn đánh thắng thù trong, giặc
ngoài, giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.
Ngày nay, nhân dân ta cũng chân thành
mong mỏi các đồng chí lãnh đạo các cấp của Đảng ta, theo gương Bác Hồ, đều sẽ
là những tấm gương lớn về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cho toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân noi theo.
Võ Thị Hoài (Giảng viên
Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Nghệ An)
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ
Chính trị (2016), Chỉ thị 05- CT/TW về
đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập,
tập 1, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập,
tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập,
tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Song Thành (2005), Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb
Lý luận chính trị, Hà Nội.