Những dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Xuyên
suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn
thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết
phục về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta; góp
phần làm sáng rõ bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về công tác xây
dựng Đảng nói chung, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Chủ động, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
luôn là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ
thống chính trị mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dù đảm nhiệm bất cứ công tác
nào được Đảng, Nhà nước phân công luôn quan tâm, trăn trở. Có thể chỉ ra những
dấu ấn nổi bật mà Tổng Bí thư để lại cho chúng ta về lĩnh vực công tác quan
trọng này như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện lý luận về đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Một là, làm rõ quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về
tham nhũng, tiêu cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu
là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”(1). Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu
cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ:
Tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần
chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”(2) (Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(3)(Đại hội XI); “là thách thức nghiêm trọng đối
với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”(4) (Đại hội XII). Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội
VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(5) và đến
nay “vẫn là một trong những nguy cơ
đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(6). Điều đó cho thấy, Đảng ta chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn
luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất(7).
Hai
là, lý giải sâu sắc, thuyết phục về bản chất của tham nhũng, tiêu cực.
Trả lời cho câu hỏi “Tham nhũng là gì?”, Tổng Bí thư đã lý giải rất
ngắn gọn và súc tích về tham nhũng như sau: tham nhũng (tham ô, nhũng
nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia
nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và
phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham
nhũng có hiệu quả(8).
Luận điểm này của Tổng Bí thư
giúp mỗi chúng ta nhận thức rõ hai vấn đề:
Một là, tham nhũng, tiêu cực là một hiện tượng xã hội
mang tính phổ biến toàn cầu mà từng quốc gia, dân tộc cần phải đối mặt, nhận
diện và giải quyết.
Hai là, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực là cuộc đấu tranh hết sức cam go, gian khổ vì diễn ra trong nội bộ và là
“ta tự đánh vào ta” nên cần có quyết cao, nỗ lực lớn cùng sự đồng sức đồng lòng
của toàn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.
Ba là, chỉ rõ tác hại, phạm vi
của tham nhũng, tiêu cực.
Trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật
chất (kinh tế, tiền bạc), nay chúng ta quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của
tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng, mất cán bộ,
mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất
chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới. Vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn(9).
Trước đây, chống tham nhũng,
lãng phí chủ yếu chỉ tập trung vào các hành vi: tham ô, chiếm đoạt, nhận hối
lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực
nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Đặc biệt, không chỉ
phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng,
chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên(10).
Bốn là, chỉ rõ nguyên nhân dẫn
đến tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên.
Về khách quan: một số người lãnh đạo vẫn bàng quan, vô
trách nhiệm hoặc bị một số người cấp dưới nịnh hót, mua chuộc, đã buông lỏng,
làm ngơ, thậm chí bao che cho những hành vi móc ngoặc. Tình trạng “há miệng mắc
quai”, “rút dây sợ động rừng” đã trói buộc một số người, làm cho việc chấp hành
kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm, không triệt để(11).
Về chủ quan: có người do nhận thức mơ hồ, do thiếu
tình cảm cách mạng trong sáng và sâu sắc đối với nhân dân, với Tổ quốc, nhưng
có lẽ chủ yếu là do mắc vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Sống trong điều kiện mới,
có chút ít quyền hành trong tay, họ sinh ra kiêu ngạo, xa xỉ, tham ô, lãng phí.
Họ bị lối sống ích kỷ lôi kéo, trói buộc, thường chỉ nghĩ đến mình, chỉ vì
mình, coi lợi ích của mình nặng hơn lợi ích chung. Đảng ta, nhân dân ta rất
trân trọng và ghi nhận công lao, thành tích của họ, nhưng đồng thời cũng đòi
hỏi họ phải tiếp tục rèn luyện giữ vững phẩm chất cao quý của mình, nêu gương
tốt trước quần chúng để bảo vệ uy tín của Đảng, củng cố mối liên hệ tốt đẹp
giữa Đảng và quần chúng(12).
Cuốn sách của đồng
chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Năm là, chỉ rõ nguồn gốc chủ yếu của tham
nhũng, tiêu cực là do chủ nghĩa cá nhân.
Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá
nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh,
không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh
khó ngại phiền. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống
chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho
mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự “trung
với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ
quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt
qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(13) như
Hồ Chủ tịch đã dạy(14).
Nguyên nhân sâu xa của
tham nhũng, tiêu cực là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,
trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy
nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình
trạng tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, tổ chức thực hiện đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực một cách bài bản, đồng bộ và triệt để.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ bằng các biện
pháp về chính trị, tư tưởng mà cần có sự đồng bộ về công tác tổ chức và cán bộ.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Tổng Bí thư đã nêu rõ việc
thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI tuy có những chuyển biến tích cực,
nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị ngăn chặn,
đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng,
lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ
trong bộ máy nhà nước.
Sau 10 năm hoạt động (2013 – 2023), Tổng Bí thư đã chỉ đạo bổ sung
thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực mở rộng phạm vi chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham
nhũng và phòng, chống tiêu cực. Điều
rất quan trọng là Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí
Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thực hiện Nghị quyết
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng
đi vào hoạt động, đạt được những kết quả bước đầu(15).
Đấu tranh phòng, chống tham, nhũng, tiêu cực
là nhiệm vụ rất quan trọng và vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến
hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng ở
tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính
trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững
chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Trước đây, chúng ta chỉ nói “chống tham nhũng,
lãng phí”; điều đó không sai; nhưng dẫu sao lãng phí cũng chỉ là một việc cụ
thể; còn tiêu cực có nội dung và phạm vi rộng hơn, căn cốt hơn, nhất là sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc, cái nguy
hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng; không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn
mất người, thậm chí mất cả chế độ.
Thứ ba, Tổng Bí thư vạch trần rõ những âm mưu,
thủ đoạn lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để mưu lợi cá
nhân.
Vạch
trần những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, Tổng Bí thư nêu: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn
định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp
phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của
các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”. Đẩy
mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch
Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong
sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách
của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”(16).
Thứ tư, Tổng Bí thư là tấm gương sáng, mẫu mực
của người chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Có
thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp
cao có sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau
xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật
Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của
Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm,
làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới(17).
Có
thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của
Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối đầy đủ; cái cần nhất
lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực
hiện. Muốn vậy, rất cần những tấm gương sáng, mẫu mực, suốt đời vì nước, vì dân
như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một điển hình.
Chúng
ta phải khắc phục bằng được tình trạng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ
ra và tại nhiều Hội nghị quán triệt, triển khai các nghị quyết, quy định của
Đảng, đó là tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, “rằng hay thì thật là hay, xem
ra thực hiện còn gay trăm bề”(18).
Tổng Bí thư rất day dứt khi chỉ
từ vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Công ty Việt Á đã làm tha hóa nhiều
cán bộ ở Trung ương và địa phương, với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ
luật, xử lý hình sự lên đến hàng trăm người, trong đó có cả cán bộ cấp cao
(chúng ta đã xử lý kỷ luật, xử lý hình sự 3 ủy viên Trung ương Đảng là bộ
trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 3 thứ trưởng; 3 sĩ quan cấp tướng
trong lực lượng vũ trang và đến nay đã xử lý hình sự 99 trường hợp)(19).
“Đây là những vấn đề rất đáng phải suy ngẫm,
tại sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm khắc nhiều
cán bộ, đảng viên vi phạm như vậy mà sai phạm vẫn cứ tiếp diễn. Có phải do cơ
chế, chính sách, pháp luật của chúng ta còn lỏng lẻo; do công tác tổ chức thực
hiện chưa nghiêm? Do công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý của chúng ta
chưa kịp thời, kiên quyết; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ,
quyền hạn không hiệu quả? Hay do công tác quản lý, giáo dục đạo đức, liêm chính
cho cán bộ, đảng viên của chúng ta làm chưa tốt, chưa đến nơi đến chốn?(20).
Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo trong
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hải Phòng (15-11-2017). Ảnh: TTXVN
Cùng với sự phát triển của đất nước và quá
trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ
ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; không chỉ diễn ra trong nước mà
vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu
vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi
phạm, hình thành các “nhóm lợi ích”, không chỉ làm mất tiền, tài sản của Nhà
nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân
dân. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì,
không nghỉ, không ngừng, quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn
trương hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ
đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng./.
Ban Tuyên giáo