image banner
Những gương sáng bên tôi
Lượt xem: 594

(TÁC PHẨM DỰ THI CỦA TÁC GIẢ PHAN THỊ BÍCH HẬU – ĐẢNG BỘ VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH & HĐND TỈNH)

Mặc dù không làm việc cùng Phòng với nhau nhưng tôi rất ấn tượng và cảm phục về tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc cũng như lối sống giản dị, chân thành, hòa nhã của các em. Những đồng nghiệp mà tôi nghĩ họ là “Gương sáng bên tôi” để mỗi ngày đến cơ quan làm việc tôi được “soi” để “chỉnh” mình.

Nữ văn thư tận tụy, ham học hỏi

Người mà tôi muốn nói đến đầu tiên đó là em Trần Thị Nguyệt, Văn thư - Lưu trữ thuộc phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.

Anh-tin-bai

Trần Thị Nguyệt, Văn thư - Lưu trữ thuộc phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Em sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo chuyên làm muối xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, vượt qua kỳ thi công chức với số điểm khá cao, Nguyệt được Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu tiếp nhận làm giáo viên dạy môn Anh Ngữ ở trường THCS xã Sơn Hải. Cùng với những năm tháng dạy học ở quê nhà, Nguyệt yên bề gia thất có 2 cậu con trai ngoan ngoãn, thông minh và học giỏi. Chồng Nguyệt là sĩ quan Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, ngày đó đóng quân tại Đồn Biên phòng xã Quỳnh Thuận huyện Quỳnh Lưu, năm 2016 anh được điều động về công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và đây chính là “cơ duyên” theo phong tục Việt Nam “Thuyền theo lái, gái theo chồng” đã “dẫn dắt” Nguyệt sau 16 năm từ cô giáo hăng say, nhiệt huyết “gõ đầu trẻ” ở quê nhà trở thành chuyên viên Văn thư – Lưu trữ tận tụy, cần mẫn, luôn “vượt khó” của Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh (nay là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An), ổn định cuộc sống gia đình tại thành phố Vinh.

Bước ngoặt nhiều trăn trở và nỗ lực vượt qua

Nguyệt chia sẻ: “Công tác Văn thư – Lưu trữ là một chuyên môn, nghiệp vụ hay nói một cách khác là “mắt xích” quan trọng để luôn đảm bảo thông tin bằng văn bản phục vụ kịp thời cho lãnh đạo, quản lý điều hành công việc của cơ quan, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp tới việc giải quyết công việc hằng ngày, tới chất lượng và hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo bí mật nhà nước của cơ quan…, đòi hỏi người làm công tác này phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, xử lý công việc linh hoạt mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Thế nên, năm 2016, khi được tiếp nhận về Văn phòng HĐND tỉnh, những ngày đầu đến cơ quan làm việc tại Phòng hành chính, tiếp cận với công tác Văn thư - Lưu trữ, một công việc hoàn toàn mới mẻ trong tâm trạng “nhớ nghề giáo”, em thật sự lo lắng, áp lực.

Anh-tin-bai

Trần Thị Nguyệt đang rà soát hồ sơ lưu trữ

 Nhưng rồi những áp lực, lo lắng ấy đã tạo cho em thói quen hàng ngày tự tìm tòi, cập nhật các văn bản, tài liện liên quan đến nghiệp vụ Văn thư - Lưu trữ để nghiên cứu, hoàn thiện dần kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ của mình mà cho đến nay em thấy tuy đã có những kết quả nhất định nhưng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới làm tốt công việc của mình trong thời đại công nghệ 4.0”. Đó là những bộc bạch rất khiêm tốn của Nguyệt!

Say mê học hỏi, trau dồi nghề nghiệp

Quá trình đảm nhiệm công việc, Nguyệt nhận ra rằng công tác Văn thư - Lưu trữ là một chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện theo luật và các văn bản dưới luật quy định nhưng đối với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh là cơ quan phục vụ Đại biểu dân cử, công tác Văn thư – Lưu trữ có đặc thù riêng, nhất là việc phát sinh khối lượng văn bản, tài liệu đến và đi của mỗi kỳ họp, tính chất của đơn thư khiếu nại, tố cáo và nhiều văn bản không thuộc diện được phép lưu hành trên môi trường mạng Văn phòng điện tử, phục vụ công tác văn thư nhiều cấp lãnh đạo, cùng với xu thế bùng nổ thông tin, nền kinh tế tri thức đóng vai trò chủ đạo… là những yếu tố đòi hỏi người cán bộ làm công tác Văn thư – Lưu trữ luôn phải trung thành, tận tụy, chịu khó, sáng tạo, linh hoạt, có chuyên môn nghiệp vụ cao, giỏi về công nghệ thông tin, thật sự có tinh thần trách nhiệm mới góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác Văn thư - Lưu trữ trong thời đại mới.

Ý thức được nguyên tắc đó, Nguyệt không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như: cập nhật, chia sẻ các văn bản quy định về công tác Văn thư - Lưu trữ trên mạng để nghiên cứu; tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về công tác Văn thư - Lưu trữ. Ở những diễn đàn này Nguyệt thường tranh thủ kiến thức bài giảng của các giảng viên, mạnh dạn đưa ra ý kiến hỏi-đáp về những vấn đề mình băn khoăn trong thực tiễn; đề xuất với Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh thành lập, tham gia Đoàn kiểm tra chéo về công tác Văn thư - Lưu trữ để có cơ hội học hỏi lẫn nhau; trong những diễn đàn sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên môn, hội nghị cán bộ công chức, người lao động hàng năm hay cả khi tham gia Hội thi, Nguyệt đều tích hợp những nội dung sát thực cần bổ cứu, những hạn chế cần khắc phục để tham gia ý kiến, thảo luận, trao đổi, kiến nghị, đề xuất để cùng nhau làm tốt công tác Văn thư – Lưu trữ. Cùng với đó, trong thời gian 7 năm công tác, với hoàn cảnh gia đình con còn nhỏ phải đưa đón con đi học, chồng Nguyệt lại tiếp tục được điều động công tác xa nhà (ở Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam) nhưng em đã sắp xếp việc nhà, việc nước ổn thỏa, khắc phục hoàn cảnh khó khăn để tham gia khóa học 5 năm (văn bằng 2) đào tạo về chuyên ngành Văn thư - Lưu trữ thuộc trường Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến nay, tuy chưa tốt nghiệp nhưng nhà trường đã tổ chức cho sinh viên thực tập, em đã có Báo cáo kết quả thực tập trên cơ sở thực hiện công tác Văn thư – Lưu trữ tại cơ quan mình công tác. Em vui mừng thổ lộ với tôi: “Báo cáo thực tập cơ bản em nêu được thực trạng và giải pháp công tác Văn thư - Lưu trữ ở Văn phòng cơ quan đã được Hội đồng nhà trường ghi nhận, đánh giá cao nhưng điều quan trọng hơn cả là những nội dung em còn băn khoăn đề cập trong báo cáo được giáo viên nhà trường bổ cứu kịp thời, giúp cho em thu nhận kiến thức đầy đủ, chặt chẽ hơn”… Tất cả những điều đó minh chứng cho nghị lực và nỗ lực không mệt mỏi của Nguyệt đã luôn vì mục tiêu làm thật tốt công việc mà mình được giao.

Ý thức trách nhiệm đem lại hiệu quả công việc  

Mỗi ngày Nguyệt làm việc như một con ong chăm chỉ, chấp hành nghiêm túc giờ giấc và kỷ luật kỷ cương hành chính, nhìn cách em cẩn thận trong tiếp nhận và giải quyết văn bản đi, văn bản đến, quản lý văn bản Mật, quản lý con dấu; thu nộp, xử lý tài liệu tích đống, bó gói ở các phòng, ban hàng năm; những giờ rỗi hơn của công việc văn thư em lại cần mẫn sắp xếp lưu trữ hồ sơ, tài liệu trong kho lưu trữ, mày mò ứng dụng công nghệ văn phòng điện tử hay cả những buổi cặm cụi làm việc để xử lý kịp thời các văn bản với tinh thần “hết việc không hết giờ”… Điều đáng nói ở đây, hồ sơ tài liệu được em lưu trữ rất chuyên nghiệp, đảm bảo quy định về công tác lưu trữ, đặc biệt khi cán bộ, công chức trong cơ quan cần tra cứu tài liệu chỉ cần nói tên loại văn bản là em đã biết tài liệu đó ở ô mục nào trong kho, phòng lưu trữ để nhanh chóng lấy ra phục vụ giải quyết công việc…  Tôi thật sự cảm phục em - một cán bộ Văn thư - Lưu trữ rất chỉn chu trong công việc, giản dị hòa nhã trong lối sống, luôn âm thầm, lặng lẽ để hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất.

“Siêu nhân Công nghệ thông tin”  

Đó là cách gọi trìu mến của mọi người trong cơ quan mỗi khi nhắc đến em Hoàng Bá, hiện tại em là nhân viên phòng Dân nguyện - Thông tin, nhiệm vụ của em được phân công thuộc mảng Thông tin, thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo hoạt động thông suốt của Trang Thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An như: theo dõi, kịp thời dẫn nguồn các tin tức, sự kiện; đăng tải các tin, bài viết đã được phê duyệt, đảm bảo đúng quy định của luật pháp hiện hành. Thiết kế đồ họa; Quản trị, đăng tin, vận hành Fanpage trên mạng xã hội. Theo dõi việc vận hành, kết nối đảm bảo an toàn, an ninh mạng, các thiết bị kỹ thuật. Đề xuất các phương án, kế hoạch duy trì, bảo dưỡng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật Trang này.

Anh-tin-bai

Hoàng Bá là nhân viên phòng Dân nguyện - Thông tin, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Trước đây, khi đang công tác ở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hoàng Bá là nhân viên tổng hợp của Văn phòng. Tháng 7 năm 2021, sau khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 02 Văn phòng có bộ máy tổ chức bên trong gồm 4 phòng chuyên môn, Bá được phân công về phòng Hành chính, Tổ chức, Quản trị làm Văn thư và phụ trách CNTT. Quá trình đi vào ổn định hoạt động của Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, lãnh đạo cơ quan từng bước rà soát trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của các phòng chuyên môn bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ theo hướng giao đúng người, đúng việc để phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, người lao động đem lại hiệu quả hoạt động của cơ quan. Hoàng Bá được tổ chức phát hiện có năng lực, sở trường về công nghệ thông tin nên em đã được điều động từ phòng Hành chính, Tổ chức, Quản trị sang phòng Dân nguyện - Thông tin công tác. Điều đáng nói ở đây là Bá chưa được đào tạo ở trường lớp cơ bản nào về chuyên ngành công nghệ thông tin, em mới chỉ được tiếp cận trong một số bài giảng thời kỳ học Đại học và sau này vì công việc và đam mê em tự mày mò học hỏi để giờ đây em có khả năng đảm nhận công việc của một kĩ sư công nghệ thông tin.

Anh-tin-bai

Hoàng Bá hướng dẫn đại biểu truy cập tài liệu kỳ họp HĐND tỉnh trên phần mềm (phục vụ kỳ họp không giấy)

Ngay sau khi thành lập Văn phòng, Hoàng Bá tham gia Tổ xây dựng đề án “Nâng cấp giao diện trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An”; thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin như: phối hợp với VNPT tạo lập tài khoản, hướng dẫn cho cán bộ, công chức cơ quan ứng dụng Văn phòng điện tử Ioffice; vận hành, điều chỉnh các phần mềm thiết bị điện tử phục vụ các “kỳ họp không giấy” của Quốc hội và HĐND tỉnh… Giờ đây, mặc dù đã chuyển sang công tác tại phòng Dân nguyện - Thông tin nhưng mỗi lần mạng Lan, máy tính, phần mềm Văn phòng điện tử hay các thiết bị điện tử của cán bộ, công chức trong cơ quan trục trặc, gọi bất cứ giờ nào em cũng vui vẻ có mặt để khắc phục sự cố, không phải nhờ sự can thiệp của các dịch vụ sửa chữa bên ngoài. 

Góp phần tích cực cải thiện môi trường làm việc chuyên nghiệp, khoa học, tiết kiệm ngân sách

Những đóng góp của “siêu nhân công nghệ thông tin” Hoàng Bá đã góp phần tích cực cho chỉ số thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hưởng ứng công cuộc “chuyển đổi số” của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh từng bước được cải thiện, nâng lên rõ rệt, đồng thời tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, khoa học cho cán bộ, công chức cơ quan, góp phần tích cực trong tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách hành chính phí.

Với bản tính khiêm nhường, cần mẫn, chịu khó học hỏi cùng với sự say mê nghiên cứu, sáng tạo trong công việc hàng ngày, cũng như Nguyễn Thị Nguyệt, Hoàng Bá đã tự nguyện tham gia khóa học văn bằng 2 về chuyên ngành công nghệ thông tin tại trường Đại học Công nghệ thông tin Hà nội. Em nói, phải chịu khó đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong xu thế bùng nổ về công nghệ thông tin trong thời đại mới.

Với ý thức, trách nhiệm, sự nỗ lực cố gắng trong công việc của Nguyễn Thị Nguyệt và Hoàng Bá đã góp phần tích cực trong công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực tham mưu phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An. Các em xứng đáng được tôn vinh và là tấm gương để chúng ta học tập./.

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập